Hoàng Lê Kha - người chiến sỹ cách mạng tận trung với Đảng, hiếu với dân, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù
Hoàng Lê Kha - người chiến sỹ cách mạng tận trung với Đảng, hiếu với dân, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù
1. Đời đời nhớ ơn Anh hùng liệt sỹ Hoàng Lê Kha (17/02/1917 – 17/02/2025)
Hoàng Lê Kha tên thật là Hoàng Lê Cẩn, sinh vào ngày 17/02/1917 tại làng Chang Tác, tổng Ngọ Xá, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (nay là xã Hà Phong, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo hiếu học, bố là một nhà nho yêu nước, dưới sự giáo huấn của bố, Hoàng Lê Cẩn ngày càng trưởng thành và sớm giác ngộ cách mạng.
Năm 1931, ông tham gia cách mạng được đoàn thể phân công ra học ở Hà Nội để vận động phong trào học sinh, sau một thời gian thì bị đuổi học vì bọn mật thám Pháp đã nghi ông là người của cơ sở cách mạng. Năm 1933, ông vào học ở Trường Kỹ Nghệ Hà Đông tiếp tục hoạt động phong trào cách mạng, đến năm 1936, ông tốt nghiệp ra trường và được vinh dự gia nhập vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây sự nghiệp cách mạng của ông đang ngày được lan rộng nhờ vào sự hoạt động cách mạng sôi nổi đầy nhiệt huyết của người Đảng viên trẻ.
Năm 1940, ông được Đảng điều vào hoạt động ở Nam Kì một địa bàn hết sức nóng bỏng của Sài Gòn - Gia Định. Năm 1945, với tư cách là Uỷ viên mặt trận Việt Minh tỉnh Gia Định ông đã sớm biểu hiện được khả năng tư duy sâu sắc về chiến lược quân sự. Năm 1947, với nhiều đóng góp của mình vào quá trình xây dựng 3 thứ quân của lực lượng vũ trang cách mạng, ông được giao nhiệm vụ làm Tỉnh đội trưỏng dân quân.
Năm 1948, ông được bầu làm Trưởng ty Thông tin tỉnh Gia Định, do nhu cầu phát triển của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đòi hỏi chúng ta cần phải có một hậu phương vững mạnh “Tự cung tự cấp” nhằm chống lại mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, Tỉnh ủy Gia Định cử ông làm Trưỏng ty Kinh tế Canh nông.
Năm 1951, tỉnh Tây Ninh sáp nhập với tỉnh Gia Định gọi là tỉnh Gia Định Ninh, ông được cử vào làm Bí thư Huyện uỷ Châu Thành, một huyện lớn bao gồm toàn phía Bắc và Tây Bắc tỉnh Tây Ninh.
Từ năm 1952-1954, ông được cử sang làm Bí thư huyện uỷ Dương Minh Châu. Từ năm 1955 – 1959: ông làm Thường vụ Tỉnh uỷ – Trưởng phân ban chỉ đạo 2 huyện Châu Thành – thị xã Tây Ninh.
Ngày 16/08/1959, theo sự chỉ đạo của cấp trên, ông đến dự Hội nghị Thị xã uỷ tại nhà ông Nguyễn Văn Thương (Hai Thương). Tại cuộc họp này, ông đã phân tích diễn biến tình hình, âm mưu thâm độc của Mỹ-Diệm sẽ đẩy mạnh “Tố cộng-Diệt cộng” bằng những biện pháp phát xít trắng trợn hòng tiếp tục tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, ông chỉ đạo một số chủ trương cấp bách, vận động nhân dân chống lại âm mưu đen tối của địch, bảo toàn lực lượng cách mạng.
Theo kế hoạch, sau Hội nghị Thị xã uỷ, ông sẽ đến dự và phổ biến chủ trương chỉ đạo của Tỉnh uỷ cho huyện Châu Thành. Tuy nhiên, kế hoạch không thành vì bọn mật vụ đã phát hiện được ông và cố vây bắt cho bằng được người mà bọn chúng cho là cán bộ nằm vùng nguy hiểm. Ông đã chống trả quyết liệt với kẻ thù, rồi bị địch bắt đưa về giam giữ ở khám lớn Chí Hòa. Chúng đã dùng mọi biện pháp tra tấn dã man nhưng vẫn không khuất phục được người cộng sản Hoàng Lê Kha.
Đến tháng 10/1959, nguỵ quyền Ngô Đình Diệm buộc phải đưa tòa án lưu động từ Sài Gòn lên Thị xã Tây Ninh để mở phiên tòa xét xử Hoàng Lê Kha. Bằng những luận điệu chống cộng, chúng đưa ra bản cáo trạng kết tội ông và tuyên án tử hình, để trả thù cho những thất bại liên tiếp ở Tây Ninh và đàn áp cao trào cách mạng đang lên, đặc biệt sau chiến thắng Tua Hai.
Vào lúc 5 giờ sáng ngày 12/3/1960, tại ấp Tam Hạp (nay là ấp Suối Muồn), xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, nguỵ quyền Ngô Đình Diệmbí mật đưa Hoàng Lê Kha lên Bàu Heo, ấp Tam Hạp (nay là ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành) để hành hình ông bằng máy chém “Luật 10/59”. Để khắc ghi công ơn và tưởng nhớ tấm gương hy sinh cao cả ông, năm 1995, Uỷ ban nhân dân tỉnh cho xây dựng nơi đây Khu lưu niệm Hoàng Lê Kha. Hiện nay, từ thị xã Tây Ninh theo tỉnh lộ 781 về hướng huyện Châu Thành khoảng 6 km là đến Khu lưu niệm Hoàng Lê Kha, di tích nằm cặp lộ, bên phải trong khuôn viên Trường tiểu học Hoàng Lê Kha.
Ghi nhận công lao của đồng chí Hoàng Lê Kha, ngày 23/7/1997, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và truy tặng Huân chương độc lập hạng nhất cho ông.
2. Không ai có quyền xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh Anh hùng liệt sỹ Hoàng Lê Kha
Công lao, sự hi sinh của Anh hùng liệt sỹ Hoàng Lê Kha được được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi ơn, công nhận, thế nhưng thời gian qua vẫn có những thành phần cơ hội chính trị, bất mãn, chống phá chế độ tìm cách xuyên tạc, bằng cách dẫn lại thông tin trên tờ báo của nguỵ quyền Ngô Đình Diệm có nội dung là ông Hoàng Lê Kha tổ chức 01 nhóm ám sát, đột nhập, chặt đầu một công dân là "mật báo viên" của chế độ cũ, với những lời lẽ, lập luận và những tình tiết hết sức vô lý, mơ hồ như: một người trong nhóm của Hoàng Lê Kha đến dự đám tang của tên “mật báo viên” và nói với người thân của tên “mật báo viên” rằng chết thật đáng kiếp, từ đó bị chính quyền phát hiện, bắt giữ và khai ra Hoàng Lê Kha chủ mưu tổ chức ám sát, giết người. Từ đó gán ghép, xuyên tạc, cho rằng ông Hoàng Lê Kha đã chặt đầu một công dân là "mật báo viên" của chế độ cũ nên mới bị nguỵ quyền xử chém bằng Luật 10/59.
Rõ ràng đây là một bài báo do nguỵ quyền Ngô Đình Diệm tự biên nhằm tạo 01 cái cớ để ứng phó với dư luận, phục vụ cho ý đổ quyết xử tử đồng chí Hoàng Lê Kha để trả thù cho sự kiện Tua Hai và trấn áp cao trào cách mạng đang bùng lên ở Tây Ninh. Sự vô lý quá rõ ràng trong bài báo, vì rằng, không có một kẻ đồng phạm, hung thủ nào “tâm thần” đến mức tới dự đám tang nạn nhân mà thốt ra lời lẽ miệt thị, khiêu khích như thế để bị phát hiện, bắt giữ.
Và rằng, sự vô lý còn nằm ở chỗ, nếu thật sự ông Hoàng Lê Kha tổ chức đột nhập, ám sát, giết cái tên được gọi là “mật báo viên” thì vào giai đoạn đó, ông sẽ được phía cách mạng tuyên dương, ghi công trạng hiển hách do đã tiêu diệt một tên “mật báo viên” chỉ điểm, “Việt gian” bán nước, làm thiệt hại cho cách mạng, có nợ máu với Nhân dân, nhưng sự thật lịch sử, rõ ràng rằng trong lý lịch, lịch sử cuộc đời hoạt động cách mạng của Hoàng Lê Kha, trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, hoàn toàn không có ghi nhận lại sự kiện này.
Qua đó để thấy rằng, trong quá khứ, nguỵ quyền đã dựng lên một câu chuyện mơ hồ, huyễn hoặc nhằm tạo cớ để xử tử đồng chí Hoàng Lê Kha. Trong hiện tại, vẫn đang có những kẻ cơ hội chính trị, bất mãn chế độ, luôn tìm mọi thủ đoạn đê hèn để xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ anh hùng liệt sỹ, chống phá chế độ... Những cá nhân đó sớm muộn cũng sẽ trả giá cho hành động sai trái của mình trước pháp luật và trước Nhân dân.