PGDĐT Tân Biên báo cáo về
kết quả mô hình “ Đồng hành cùng giáo dục vùng khó khăn, vùng sâu” và dự kiến
hoạt động của “Bếp hồng biên giới” với những nội dung như sau;
Tân Biên có 44 đơn vị trường
học thuộc UBND huyện quản lý. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Huyện
ủy, HĐND- UBND- UBMTTQVN huyện, CSVC trường học được xây dựng theo hướng chuẩn
hóa hơn trước, đời sống CBQL, GV, NV ngành được cải thiện. Tuy nhiên ở một số
đơn vị vùng xa, các xã chưa được xây dựng Nông thôn mới - trường lớp chưa thật
sự khang trang, sạch đẹp, đường đi lối lại còn sình lầy, một khoảng không gian
bê tông hóa sân trường để vui chơi vẫn còn là mơ ước của các em học sinh. Các
điều kiện cần và đủ để duy trì hoạt động dạy học và tham gia các phong trào của
ngành còn hạn chế, thu nhập của giáo viên không đủ trang trải những nhu cầu cơ
bản của đời sống.
Xuất phát từ thực tế đó,
Phòng GDĐT Tân Biên xây dựng mô hình “ Đồng hành cùng giáo dục vùng khó khăn,
vùng sâu” từ năm học 2018-2019. Mô hình gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Góp phần cải tạo CSVC
trường học, xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp.
- Trường học giúp đỡ trường
học: Phân công các đơn vị ở vùng thuận lợi giúp đỡ các đơn vị vùng khó khăn về
CSVC, chuyên môn nghiệp vụ, tặng quà cho giáo viên, học sinh nghèo, hỗ trợ đội
ngũ.
- Xây dựng nhà công vụ cho
giáo viên.
- Chăm lo đời sống vật chất
và tinh thần cho giáo viên.
- Tổ chức Xuân biên cương.
Qua 04 năm thực hiện, Phòng
GDĐT Tân Biên cùng các đơn vị trường học đã vận động làm 1200m2 sân trường,
đường đi cho học sinh ở 08 đơn vị thuộc xã Trà Vong,Thạnh Bắc,Tân Phong. Được
sự giúp đỡ, vận động của Công đoàn ngành Giáo dục xây được 03 nhà công vụ cho giáo viên ở Tân
Khai, xã Thạnh Bắc, 30 lượt giáo viên hỗ trợ các đơn vị khó khăn về đội ngũ, tổ
chức 24 cuộc giao lưu, gặp gỡ, tọa đàm, trao đổi sinh hoạt tổ chuyên môn, tặng
12 bóng đèn năng lượng mặt trời, 540 phần quà cho giáo viên vùng xa, vùng khó
khăn, 120 xe đạp và 400 thẻ BHYT cho học sinh. Tổng trị giá gần 5 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện mô
hình, BLĐ chúng tôi phát hiện ra một thực trạng: phần lớn giáo viên Khu dân cư
Chàng Riệc, ấp Thạnh Hiệp là người từ địa phương khác tới sinh sống và cư trú.
Có người cả đi về lên tới 150 km, trung bình 80 km. Sáng sớm, họ đã lên đường
từ khi ánh trăng cuối cùng trong đêm còn vương vấn chưa chịu nhường chỗ cho ánh
bình minh ló dạng và trở về nhà khi hoàng hôn đã tắt. Buổi sáng, ghé mua tạm
hộp cơm trên đường, trưa lót tạm gói mì tôm không thịt, không rau cho qua bữa.
Những hình ảnh khiến những người làm lãnh đạo ngành chúng tôi như thắt lại.
Đó chỉ là một phần nhỏ khó
khăn trong hành trình gieo con chữ cho trẻ em vùng sâu của giáo viên. Đường đi
chủ yếu là dường rừng, lỡ may xe hư, hết xăng, đau bệnh thì chỉ có ngồi chờ
người sau đến giúp. Có những người xe hư không kịp ăn sáng cho kịp giờ dạy.
Những câu chuyện, những lời tâm sự đó thôi thúc BLĐ chúng tôi quyết tâm làm một
việc gì đó để san sẻ khó khăn với thầy cô và ý định xây dựng Bếp hồng biên giới
ra đời năm 2021.
Tuy nhiên năm 2021 là năm
đặc biệt, dịch bệnh hoành hành khắp nơi khiến cho những dự định của chúng tôi
không thực hiện được. Năm 2022 là năm thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Qua thăm
dò dư luận, xin ý kiến lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện. Nhận được sự ủng hộ, cổ
vũ nhiệt tình của các đ/c lãnh đạo, CBQL, GV, chúng tôi tiếp tục bàn bạc, xây
dựng kế hoạch mô hình này. Và đặc biệt,
khi khi kế hoạch đang ở giai đoạn lấy ý kiến trong toàn ngành, chúng tôi đã
nhận được sự ủng hộ tích cực của các tập thể, cá nhân trong ngành. Qua 04 ngày
lấy ý kiến và ban hành kế hoạch,chúng tôi nhận về số tiền là 40 triệu đồng.
Để sử dụng số tiền đúng mục
đích, hiệu quả, Phòng GDĐT đã thành lập Ban tổ chức bếp hồng gồm 06 đ/c, BTC đã
họp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Từ trưởng ban cho đến thủ
quỹ, tuyên truyền, giám sát, hỗ trợ… Dự kiến của BTC là sẽ lo cho 20 giáo viên
hàng ngày đi về biên giới, mỗi xuất ăn 25.000/ngày, hỗ trợ cho cấp dưỡng
1.000.000 đồng/tháng. Như vậy 01 năm số tiền cần khoảng 120.000.000 đồng. Nếu
số tiền vượt sẽ xây dựng bếp ăn Thạnh Hiệp. Qua 01 tuần vận động, BTC nhận được
số tiền là 100.000.000 đồng từ các tập thể và cá nhân. Dự kiến khai trương với
đầy đủ CSVC, BTC quyết định khai trương trong tháng 9 để góp phần chăm lo đời
sống, chia sẻ khó khăn cho thầy cô vùng biên giới.
“Bếp hồng biên giới” ra đời và đi vào hoạt động là một
dấu ấn đặc biệt đối với ngành GDĐT Tân Biên. Để có được kết quả này, BLĐ chúng
tôi xin gởi lời cảm ơn Huyện ủy, UBND huyện đã ủng hộ chủ trương chúng tôi thực
hiện chương trình này. Chúng tôi xin gởi lời tri ân đặc biệt tới toàn bộ CBQL,
GV, NV toàn ngành GDĐT Tân Biên. Cảm ơn Đảng ủy, UBND xã Tân Lập, bà Phan Thị
Thanh Nhã- PCT UBND xã Tân Lập đã tích cực vận động cá nhân ủng hộ, cảm ơn ông
Lý Văn Dánh- ấp Tân Tiến xã Tân Lập, BIDV chi nhánh Tân Biên, bà Nguyễn Thị
Thanh Sơn- Phó trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Châu Thành và các nhóm thiện nguyện
tại TP.HCM. Cảm ơn bà Nguyễn Thanh Vân- Chủ tịch Hội khuyến học Tân Biên đã
tích cực ủng hộ. Mong rằng trong thời gian tới bếp sẽ nhận được sự ủng hộ quý
báu của quí vị để không chỉ hồng ở biên giới mà còn ở Thạnh Hiệp, Thạnh Bắc.
BTC chúng tôi xin hứa sẽ công khai, minh bạch, sử dụng quỹ đúng mục đích, hiệu
quả, không phụ lòng tin, sự yêu thương của mọi người.
Mong các thầy cô khu vực
Chàng Riệc -Tân Lập đón nhận những tình cảm quý báu của các tập thể, cá nhân
với tất cả sự trân quý. Trong quá trình tổ chức thực hiện,không tránh khỏi
những thiếu sót ngoài ý muốn mong các thầy cô chia sẻ, góp ý, chung tay xây
dựng để Bếp hồng không chỉ bởi ngọn lửa đốt lên mỗi ngày mà ấm áp bởi những đùm
bọc, yêu thương….